Chùa Phù Liễn tọa lạc tại tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Lúc đầu, chùa được xây dựng tại khu đồi tòa Xứ Cả, nay là khu vực Bảo tàng các dân tộc Việt Nam. Sau khi Pháp xâm lược và bình định tỉnh Thái Nguyên chúng đã bắt nhân dân trong vùng di chuyển chùa đến khu vực hiện nay. Trong chùa có Bức đại tự hoành tráng gắn bốn chữ vàng: “Linh sơn phúc địa” (có nghĩa là: núi thiêng, đất lành)
Trước đây chùa Phù Liễn là nơi che chở, nuôi giấu một số nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám và Lương Ngọc Quyến. Năm 1946, tại ngôi chùa này đã đặt hòm phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1947 cũng tại đây, Ty Liêm Phóng (sở Công an Thái Nguyên) đã đặt trụ sở làm việc. Năm 1953, chùa Phù Liễn được Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thái Nguyên chọn làm nơi tổ chức Lễ Truy điệu và cầu siêu cho Nguyên soái Stalin. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chủ trương tiêu thổ kháng chiến chùa Phù Liễn đã bị phá hủy gần hết chỉ còn lại ngôi Pháp sư tổ và một phần nhỏ của nhà thờ Thánh Mẫu.
Qua thời gian, ngôi chùa ngày nay đã được trùng tu khang trang và đẹp nhưng vẫn giữ cho mình nét cổ kính của một ngôi chùa lâu năm.
Chùa Phù Liễn là điểm văn hóa tâm linh, nơi được sự sùng mộ không chỉ của nhân dân địa phương, mà còn là nơi tụ họp của Phật tử và đồng bào cả nước đến thăm quan và lễ Phật cầu mong những điều tốt lành cho riêng mình và cho cả dân tộc. Vì thế hàng năm cứ vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, hàng nghìn, hàng vạn Tăng ni, Phật tử, đồng bào ở địa phương và trong cả nước lại trở về đây lễ Phật cầu phúc cầu tài; tham gia các trò chơi chọi gà, đánh đu, cờ tướng, bình thơ, đọc văn…
Phù Liễn tự đã và sẽ trở thành một trong những di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh, một trong những Trung tâm Phật giáo của nhân dân các dân tộc phía Bắc và đồng bào cả nước, góp phần tạo nên một không gian văn hóa tâm linh lành mạnh, nâng cao văn hóa tinh thần cho mọi người.
0 bình luận