Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, cách Thủ đô Hà Nội 80km, đi dọc theo quốc lộ 3 về phía Bắc. Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam được thành lập năm 1960 thuộc hệ thống các Bảo tàng quốc gia Việt Nam. Là một bảo tàng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam không chỉ là một công trình kiến trúc to, đẹp mà còn là một trung tâm văn hoá lớn với chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước.
Lịch sử Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam sau 50 năm xây dựng và trưởng thành đã trải qua 03 giai đoạn phát triển:
– Giai đoạn 1960–1975: Ngày 19/12/1960 tại thị xã Thái Nguyên, thủ phủ khu tự trị, trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, đã diễn ra lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Việt Bắc. Một công trình xây dựng quy mô gần như mở đầu cho một công trình văn hóa lớn ở khu vực Đông Bắc tổ quốc. Ngày 1/1/1964, Bảo tàng Việt Bắc vinh dự được Bác Hồ đến thăm và ghi bút tích trong sổ vàng lưu niệm. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965–1975), chỉ với số lượng các bộ ít ỏi, song, toàn bộ tài liệu hiện vật, kho tàng, tài sản cũng được chuyển tới nơi sơ tán an toàn. Thời kỳ này, ngoài phần trưng bày căn cứ địa Việt Bắc, còn có thêm một phòng giới thiệu về thiên nhiên và con người khu tự trị. Ngoài ra, bảo tàng còn tiến hành các cuộc triển lãm lưu động, sưu tầm hiện vật bổ sung cho kho cơ sở và trưng bày.
– Giai đoạn 1976–1990: Năm 1976, khu tự trị hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Bảo tàng Việt Bắc chuyển giao về Bộ Văn hóa – Thông tin quản lý. Đây là giai đoạn chuyển hướng nội dung hoạt động. Từ bảo tàng tổng hợp sang bảo tàng chuyên ngành văn hóa dân tộc, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy, tuyên truyền và giáo dục di sản văn hóa 54 tộc người Việt Nam. Các cuộc sưu tầm tài liệu, hiện vật, được tiến hành khẩn trương, các phòng trưng bày giới thiệu văn hóa dân tộc từng bước điều chỉnh, bổ sung, kịp thời đón khách thăm quan vào các dịp lễ, tết, hội hè ở khu vực. Công tác triển lãm lưu động đến vùng cao, biên giới. Ngày 31/3/1990, Bảo tàng Việt Bắc được đổi tên là Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, với quyết định số 508/QĐ-BVH-TT.
– Giai đoạn 1991–nay: Trong thời gian đổi mới từ 1990–2000, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam thực sự nâng cao các hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Về kiến trúc công trình, sau mấy chục năm xây dựng và do ảnh hưởng của bom đạn đã xuống cấp, nay được bảo tàng bảo dưỡng duy tu, chống xuống cấp. Năm 1996, kiến trúc nghệ thuật này đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Đây là một công trình Văn hóa nghệ thuật dành cho đồng bào nói riêng, đại gia đình các dân tộc Việt Nam nói chung. Thực hiện chương trình hợp tác tài trợ của quỹ phát triển SIDA – Thụy điển: nâng cao các hoạt động bảo tàng 1993–1998; cải tạo, sắp xếp hợp lý các khu làm việc và hệ thống các phòng trưng bày. Hệ thống kho cơ sở được cải tạo và nâng cấp với các trang thiết bị hiện đại, bảo đảm chế độ bảo quản tài liệu hiện vật lâu bền. Bảo tàng đã tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm trên khắp mọi miền của tổ quốc phục vụ những ngày lễ lớn của đất nước. Bảo tàng đã tiến hành hàng trăm cuộc nghiên cứu sưu tầm, trên địa bàn cả nước, góp phần nâng tổng số hiện vật trong kho cơ sở lên gần 30.000 tài liệu hiện vật có giá trị. Đó chính là cơ sở quan trọng để Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam hoàn thiện hệ thống trưng bày trong nhà, ngoài trời, phục vụ tốt công chúng tham quan trong nước và quốc tế. Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam còn được biết đến với một công trình kiến trúc được giải thưởng Hồ Chí Minh, tọa lạc trên diện tích đất 40.000m2, ngay cạnh dòng sông Cầu thơ mộng, là điểm giao nhau của các con đường Đội Cấn, Hoàng Văn Thụ, Bắc Kạn, Cách Mạng Tháng 8.
Hiện nay, hệ thống trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hóa vùng, giới thiệu bản sắc văn hóa 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú. Bao gồm một gian long trọng tại sảnh A nhà bảo tàng và hệ thống 5 phòng trưng bày:
– Phòng số 1: Trưng bày và giới thiệu về văn hóa các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (Kinh, Mường, Thổ, Chứt).
– Phòng số 2: Trưng bày và giới thiệu các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y).
– Phòng số 3: Trưng bày và giới thiệu văn hóa các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao (Hmông, Dao, Pà Thẻn), Ka Đai (La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo) và Tạng Miến (Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La).
– Phòng số 4: Trưng bày giới thiệu văn hóa 21 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (Ba Na, Brâu, Bru – Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Gié Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, Mnông, Ơ Đu, Mạ, Rơ Măm, Tà Ôi, Xơ Đăng, Xtiêng).
– Phòng số 5: Trưng bày và giới thiệu văn hóa các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo (Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru) và ngôn ngữ Hán (Hoa, Ngái, Sán Dìu).
Với trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, 735 tài liệu khoa học bổ trợ, hệ thống trưng bày của Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam được xây dựng theo phương pháp tiên tiến, hiện đại. Các thiết bị tin học điện tử và phần mềm âm thanh đã tái hiện được cảnh quan cư trú và đời sống văn hóa 54 tộc người, hấp dẫn công chúng tham quan. Ngoài phần trưng bày cố định, mỗi năm bảo tàng tiến hành hàng chục cuộc triển lãm lưu động trên địa bàn cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Trong quá trình hoạt động, phát triển để nâng cao chất lượng phục vụ công chúng tham quan, đặc biệt để phục vụ khu trưng bày ngoài trời, tái hiện lại thực tế cuộc sống sinh hoạt văn hóa từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tiến hành xây dựng dự án trưng bày ngoài trời với diện tích 40.040m2 để trưng bày không gian 6 vùng văn hóa: Vùng núi cao phía Bắc, Thung lũng, Đồng bằng trung du Bắc Bộ, Miền Trung – ven biển, Trường Sơn – Tây Nguyên và Đồng bằng Nam Bộ. Khách tham quan được chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa độc đáo của những nếp nhà tường trình bằng đất sỏi cơm của người Nùng (Phàn Slình), người Mông trắng; nhà sàn của người Tày; nhà rông của người Ba Na; chùa Phướng của người Khơ Me ở Trà Vinh; lăng Ngư ông ở Đà Nẵng; cọn nước, lũy tre làng, cây Pơ lang, cây hoa ban... có dịp được hòa mình vào đời sống thực, trải nghiệm các hoạt động thực tiễn trong không gian những ngôi nhà truyền thống độc đáo, trên sân khấu lễ hội lớn của bảo tàng.
Nội dung trưng bày của khu trưng bày ngoài trời bao gồm 6 vùng văn hóa với những đặc trưng riêng biệt:
– Vùng văn hóa Núi cao phía Bắc được thể hiện trên diện tích 4.000m2. Trong đó, trưng bày nguyên mẫu ngôi nhà truyền thống của người Hmông trắng ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, làm điểm nhấn giới thiệu đời sống văn hóa của cư dân núi cao phía Bắc.
– Vùng văn hóa Thung lũng được thể hiện trên diện tích 4.400m2, xây dựng ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày ở Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; ngôi nhà truyền thống của người Nùng. Trong đó, trưng bày các sưu tập hiện vật theo nguyên trạng của ngôi nhà truyền thống tộc người: công cụ sản xuất nông nghiệp ruộng nước, dệt vải thổ cẩm; dụng cụ chế biến rượu lẩu siêu, cơm lam, thịt nướng và phục vụ sinh hoạt, vận chuyển như giường, hòm, dậu, sọt, hòm đựng đồ tư trang, các hiện vật gắn với từng nghi lễ trong chu kỳ đời người, nhạc cụ dân tộc và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào vùng thung lũng.
– Vùng văn hóa Trung du – Đồng bằng Bắc Bộ thể hiện trên diện tích 3.400m2, trưng bày ngôi nhà và mặt bằng sinh hoạt truyền thống 5 gian của người Việt ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, trưng bày các sưu tập tài liệu hiện vật văn hóa trong ngôi nhà: công cụ sản xuất ruộng nước, dệt vải tơ tằm, in tranh làm chiếu cói, sản xuất thủ công mỹ nghệ như: vàng, bạc, khảm trai, trạm khắc, nghề đá, dụng cụ chế biến mắm, chế biến nông sản như: chày, cối, chum, vại; các hiện vật gắn với sinh hoạt như: giường, hòm đựng đồ tư trang; các hiện vật gắn với từng nghi lễ trong chu kỳ đời người, nhạc cụ dân tộc và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào vùng đồng bằng.
– Vùng văn hóa Miền Trung – Ven biển được thể hiện trên diện tích 4.000m2, xây dựng ngôi tháp Chăm, đền thờ Cá Ông, xưởng gốm của người Chăm. Trong không gian các công trình ấy, trưng bày sưu tập tài liệu hiện vật: công cụ sản xuất gốm, sản xuất, sản phẩm gốm; sưu tập dụng cụ thờ cúng, dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ và sản phẩm nghề dệt vải, nghề gốm; tư trang, các hiện vật gắn với từng nghi lễ trong chu kỳ đời người; nhạc cụ dân tộc và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào miền Trung – Ven biển, đặc biệt là các tượng Chăm và các hiện vật tiêu biểu của người Chăm như Linga và Yoni, vũ nữ Chăm...
– Không gian văn hóa vùng Trường Sơn – Tây Nguyên thể hiện trên diện tích 4.000m2 xây dựng ngôi nhà Rông Ba Na; cây nêu trong lễ hội, đàn đá, đàn gió, dàn nước… Trong đó, trưng bày sưu tập tài liệu hiện vật: công cụ sản xuất, trang phục dân tộc, sưu tập dụng cụ sinh hoạt như ché, chiêng, dụng cụ và sản phẩm nghề dệt vải, tư trang, các hiện vật gắn với từng nghi lễ trong chu kỳ đời người, nhạc cụ dân tộc và các hiện vật gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, sưu tập nhà mồ và tượng nhà mồ.
– Không gian văn hóa vùng đồng bằng Nam Bộ thể hiện trên diện tích 4.000m2, giới thiệu mô hình và cảnh quan ngoại thất ngôi nhà chính điện của chùa Phướng tại tỉnh Trà Vinh gồm kiến trúc cảnh quan ngôi chùa; tháp đựng cốt của người Khơ Me ở chùa Diệp Thạch, tỉnh Trà Vinh; kiến trúc tháp đựng cốt, cổng chùa Chăm Ka ở tỉnh Trà Vinh; không gian văn hóa Nam bộ dưới dạng miệt vườn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng; hệ thống kênh rạch với chiếc cầu khỉ ở huyện Lòng Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Cùng với các hoạt động của bảo tàng, cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị thường xuyên nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp viện về lĩnh vực văn hóa dân tộc, nhằm phục vụ tốt công tác và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, các hoạt động giảng dạy chuyên ngành, công tác tọa đàm, trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng được cán bộ bảo tàng quan tâm, tham dự, góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tộc người ngày càng sâu rộng. Hiện nay, hệ thống trưng bày ngoài trời Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã vào giai đoạn hoàn thiện. Không gian 6 vùng văn hóa: Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du – Bắc Bộ, Miền Trung – Ven biển, Trường Sơn – Tây Nguyên và Đồng Bằng Nam Bộ đã định hình cơ bản. Mỗi vùng văn hóa đều có không gian tổ chức lễ hội, có cấu trúc cảnh quan mang tính đặc trưng vùng miền và một ngôi nhà cụ thể, mang tính nguyên gốc làm điểm nhấn giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam tới du khách./.
0 bình luận