Phát triển mô hình homestay gắn với văn hóa người Tày ở Thái Nguyên

Phát triển mô hình homestay gắn với văn hóa người Tày ở Thái Nguyên

Hiện nay, dân số Thái Nguyên khoảng 1,2 triệu người. Trong đó, có 8 dân tộc chủ yếu sinh sống đó là Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Hmông, Sán Chay, Hoa và Dao. Người Tày có 123.197 người, chiếm 11,0% dân số toàn tỉnh. Và thực tế cũng đã chứng minh, các giá trị văn hóa nổi bật ở Thái Nguyên cũng chủ yếu được sáng tạo bởi người Tày như: dân ca dân vũ, phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở truyền thống, tri thức dân gian, tín ngưỡng/niềm tin tâm linh… Đây chính là yếu tố cơ bản để cấu trúc nên sản phẩm lưu trú đặc thù trong ngành du lịch – homestay.

Hiện nay, ở Thái Nguyên còn nhiều bản làng người Tày gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống, là địa chỉ tiềm năng để phát triển loại hình du lịch homestay, điển hình là bản Quyên, bản Rịn (Định Hóa) và khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thành phố Thái Nguyên).

Tại Bản Quyên (Định Hóa) – Làng văn hóa Tày tiêu biểu, người dân vẫn gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Tày. Bản Quyên có 158 nhân khẩu sinh sống trong 36 mái nhà trong đó có 20 ngôi nhà sàn được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống dân tộc Tày. Tại làng văn hóa du lịch bản Quyên, cấp ủy, chính quyền xã và đồng bào tổ chức một số các hoạt động thường xuyên như trưng bày các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có thế mạnh của địa phương, trình diễn nghệ thuật pha trà, mời trà, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các câu lạc bộ hát Then. Cùng với đó, xã Điềm Mặc còn phối hợp với trạm Khuyến nông của huyện trồng và chăm sóc 2ha chè có chất lượng cao; phối hợp với phòng Kinh tế - Hạ tầng chuẩn bị các sản phẩm gồm chè, các loại bánh truyền thống, mành cọ, nón Tày, gạo Bao Thai, rượu nếp, mật ong rừng, thịt trâu khô… và một số đặc sản khác của quê hương vùng ATK trưng bày tại gian hàng ở bản Quyên phục vụ khách tham quan. Bản Quyên không chỉ đặc trưng bởi nếp nhà sàn của người Tày mà còn là hương vị của món ăn truyền thống, là những nét đẹp của văn hóa dân gian như tung còn, đánh vật, thi giã bánh giầy…


Cũng như bản Quyên, người bản Rịn (xã Bộc Nhiêu) đa số là dân tộc Tày. Đây cũng là một trong những điểm đến đầy hấp dẫn đối với khách du lịch văn hóa, đặc biệt là vào dịp tết mừng mùa. Khi mẻ lúa cuối cùng của vụ mới đã được phơi khô và cất vào rương vào bồ, người dân bản Rịn thường giã bánh giầy và làm rượu đao để cúng tổ tiên, trời đất để tỏ lòng biết ơn về một vụ mùa tươi tốt. Bánh giầy làm từ loại nếp hương, hạt tròn mẩy được trồng từ những thửa ruộng bậc thang cao trên núi. Bánh giầy người Tày to bằng miệng chiếc bát con ăn cơm, nhân bánh được làm bằng vừng hoặc đậu đã được tẩm đường hoặc tẩm muối tùy thuộc khẩu vị từng người, bánh làm xong mang cúng tổ tiên trước, sau mới được ăn. Trong mâm cỗ mừng mùa của người Tày ở bản Rịn, ngoài đĩa bánh giầy còn có cút rượu đao. Đó là thứ rượu được làm từ men lá ủ với lõi cây đao trong rừng. Cây đao để nguyên trong rừng (không mang về), lấy dao khoét một khoanh thân đao rồi bỏ men vào. Dưới phần gần gốc lấy một ống nứa nhỏ có lỗ hổng cắm vào thân đao, phía đầu ngoài ống nứa lấy một chai hứng rượu vào. Men lá và lõi cây đao kết hợp lại với nhau chảy một dòng nước ra theo ống nứa. Còn gì thi vị hơn khi du khách ngồi trên gian giữa gác nhà sàn, bên bếp lửa cháy bập bùng, nhâm nhi đĩa bánh giầy và những chén rượu đao cứ đầy lại cạn. Và tiếng chày, tiếng cụm chén, tiếng cười chúc tụng cứ văng vẳng trong men rượu say nồng.


Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 70km, hiện hữu khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Tại đây, những ngôi nhà sàn được dựng xen kẽ giữa những quả đồi xanh với tổng diện tích lên tới 70ha, khu vực trung tâm có hồ nước nuôi thả hơn 20 loại cá tạo nên một không gian thoáng mát, xanh, trong lành, đẹp và bình yên. Sinh sống trong khu bảo tồn có hơn 100 khẩu, đại đa số đều là đồng bào Tày – Nùng, sinh hoạt theo quy mô hộ gia đình, trong đó có gia đình từ 2-3 thế hệ. Hàng ngày, những người dân ở đây chăm chỉ cần mẫn trồng cây rừng, trồng rau, trồng chè, tăng gia sản xuất; vừa đảm bảo cuộc sống cho mình đồng thời để phục vụ khách du lịch theo mô hình “tự sản – tự tiêu” truyền thống. Điều đặc biệt, chính những cư dân Thái Hải cũng là những hướng dẫn viên nhiệt tình giúp du khách có những trải nghiệm khi đến với khu bảo tồn. Hiện nay, Thái Hải cũng đã có những sản phẩm du lịch văn hóa dân gian như: trình diễn nghệ thuật đàn tính – hát Then, múa Tày; trải nghiệm nghệ thuật trồng chè, chế biến chè và thưởng thức chè; trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cư dân Tày – Nùng (bắt cá, trồng rau, làm nhà sàn (mô hình); tham gia giã cốm; tìm hiểu quy trình sản xuất rượu men lá; thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Tày… Với phương châm kết hợp cả bảo tồn di sản văn hóa dân tộc với bảo tồn thiên nhiên nên Thái Hải đã tạo được sự cân bằng không chỉ về môi trường sinh thái nhân văn và mà còn cân bằng cả về môi trường sinh thái tự nhiên.

Đến với Thái Nguyên là đến với vùng ATK nổi danh trong lịch sử, tại đây du khách không chỉ được tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử cách mạng mà trong chuyến hành trình của mình khách du lịch còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Tày vùng Việt Bắc tại các bản làng – nơi lưu giữ linh hồn của văn hóa Tày, làm nên sức hấp dẫn của loại hình du lịch homestay./.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Cổng thông tin du lịch Thành phố Thái Nguyên cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất cho trải nghiệm du lịch của bạn.

thainguyen.tpic@gmail.com
0912239337
Xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

IZOMI